Cháy nhà, 6 người trong gia đình thầy giáo tử vong ở thành phố Cà Mau hay cháy cơ sở kinh doanh vàng mã, 2 cậu cháu thiệt mạng ở huyện An Lão (Hải Phòng)… Liên tiếp những vụ việc gây chấn động dư luận cả nước, được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải trong thời gian qua, chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải tự đặt câu hỏi: Lâu nay công tác phòng chống cháy, nổ trong gia đình mình được quan tâm đến mức nào? Nếu chẳng may có hỏa hoạn, làm sao để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra?
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 hướng dẫn người dân nguyên tắc sử dụng bình gas an toàn sau khi đun nấu. |
Mới đây nhất, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã xảy ra hỏa hoạn tại cửa hàng tạp hóa Thảo Hằng tại số nhà 48, đường Tôn Đức Thắng, phường Khai Quang. Phòng cảnh sát PCCC số 1 phải huy động 5 xe chuyên dụng, cùng 43 cán bộ, chiến sỹ, sau hơn 1 tiếng đồng hồ mới dập tắt hoàn toàn đám cháy. Vụ việc không có thiệt hại về người, tuy nhiên đã phá hủy toàn bộ số hàng hóa của gia đình và thiệt hại ước tính gần 800 triệu đồng. Nguyên nhân vụ việc theo anh Nguyễn Văn T, chủ nhà cho biết do quá tải chập điện gây cháy tại vị trí tủ lạnh.
Theo báo cáo của Phòng cảnh sát PCCC số 1, chỉ tính riêng trên địa bàn do đơn vị quản lý (thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo, Tam Dương), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 14 vụ cháy ở nhà dân. Đánh giá về thực trạng này, Trung tá Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết: Lâu nay người dân vẫn có tâm lý chủ quan, coi thường, mất cảnh giác với những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ như: sử dụng quá nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên 1 ổ cắm; lưu cữu các vật dễ cháy trong phòng bếp; không khóa bình gas khi nấu ăn xong; thắp hương, đốt vàng mã tùy tiện; pin laptop, điện thoại, xe đạp điện dùng lâu ngày, bị chai, quá trình sạc cũng dễ xảy ra cháy, nổ…
Đặc biệt, nguy cơ này càng tăng cao đối với các hộ dân ở nhà ống, nhà liền kề gắn với hoạt động thương mại, kinh doanh. Đơn cử, dọc các tuyến đường Lê Xoay, Trần Quốc Tuấn, quanh khu vực chợ Vĩnh Yên, có đến hàng trăm hộ gia đình thường dành tầng 1 để kinh doanh hoặc cho thuê làm vàng mã, buôn bán vải vóc, giày dép, thiết bị điện nước… Với diện tích có hạn nên nhiều khi hàng hóa được chất đầy nhà, dọc hành lang, vào tận trong phòng ngủ.
Mặc dù năm nào cũng vậy, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đều tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh không vi phạm các quy định về PCCC, thường xuyên tiến hành kiểm tra nhưng chỉ dừng lại ở mức vận động, nhắc nhở vì những hành vi như thế hiện nay chưa có một chế tài nào được quy định để xử phạt, thiếu tính răn đe. Chỉ cần khuất bóng cán bộ phòng cháy hầu như đâu lại vào đấy.
Bên cạnh đó, vì lý do an ninh, các nhà ở khu vực này đều có xu hướng chỉ làm 1 cửa chính, không có lối lên tum, trong khi đó mặt tiền được che chắn, bảo vệ bởi đủ thứ hoa sắt nghệ thuật, cẩn thận được quây kín bằng chuồng cọp, tránh trường hợp nội bất xuất ngoại bất nhập. Kiến trúc thì theo trào lưu tự do, mỗi nhà một kiểu, lúc xảy ra hoản hoạn rất khó để mọi người thoát ra bên ngoài.
Qua thực tế cho thấy, khi xảy ra cháy, nổ, đa phần người dân không đủ kiến thức, sự bình tĩnh để xử lý tình huống. Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, nếu điều kiện giao thông thuận lợi, nhanh nhất cũng phải mất từ 5-7 phút để lực lượng chữa cháy mới có thể tiếp cận được hiện trường.
Có một sự thật đau lòng, trong những vụ hỏa hoạn có thiệt hại về người, đa phần nạn nhân đều được tìm thấy trong nhà vệ sinh. Đây là sai lầm tai hại, khi cháy sẽ sinh ra một lượng khí độc rất lớn, trong nhà vệ sinh nạn nhân có thể không bị bỏng cũng nhanh chóng tử vong trong thời gian rất ngắn, chưa đầy 2 phút nếu hít phải khí độc.
Trong thời gian chờ cơ quan chức năng đến giải cứu, điều tiên quyết, cần phải nhanh chóng thoát ra ngoài, nếu không được phải tìm chỗ thoáng khí như khu vực hành lang, giếng trời, tránh các khu vực gầm cầu thang, nhà vệ sinh… Khi tìm cách thoát nạn cần bò sát nền nhà để hạn chế khí độc vừa tránh đâm phải các vật dụng trong nhà do tâm lý hoảng loạn.
Để thay đổi được thói quen, tâm lý chủ quan, coi thường công tác PCCC tại gia đình của đại bộ phận người dân không phải là việc dễ làm chỉ trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đang ngày càng tích cực nâng cao nhận thức cho người dân thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Đã có hơn 3.800 lượt tuyên truyền về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn, ở các thôn xóm, tổ dân phố, khu hành chính, khu dân cư. Ngoài ra, hàng năm PhòngCảnh sát PCCC số 1 đều chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND các huyện ban hành các kế hoạch, chỉ thị, chương trình, tổ chức diễn tập các phương án PCCC, cứu nạn cứu hộ, có huy động nhiều lực lượng tham gia; tăng cường chỉ đạo các phường, xã tập trung tuyên truyền, xây dựng phương án chữa cháy khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, khu dân cư có các hộ tiểu thương, gắn với các khu phố thương mại như đã làm ở phường Khai Quang, Tích Sơn, Đồng Tâm. Duy trì hiệu quả hoạt động của các đội PCCC dân phòng ở tất cả các phường, xã mà thành phần có sự tham gia của người dân, các trưởng khu hành chính, bí thư chi bộ…