Nhiều bạn đọc có những thắc mắc về cách phòng ngừa, xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ. Biết được những mong muốn đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên của chuyên gia, ông Danh Luân – giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, về các phương pháp phòng chống cháy nổ và những hành động để ứng biến khi hỏa hoạn xảy ra. Cùng xem nhé!
» Những mốc thời gian mà người bị mắc kẹt có thể sống sót được trong tai nạn cháy?
“Trên 80% những người bị nạn trong đám cháy là bị chết do ngạt khói, sau đó, mới chết do ngọn lửa bức xạ nhiệt, do rơi ngã, do kết cấu xây dựng ngã hoặc do chen lấn, xô đẩy.
Với người có sức khỏe tốt, bình thường thì sẽ chịu được khói ở thời gian dài nhất là 1 tiếng 4 phút (tùy vào nồng độ khói)
Sau khi hít phải khói độc sau 1 tiếng 4 phút thì sẽ gây ra hiện tượng bị ngất. Sau khi ngất 4 đến 6 phút, não sẽ bị tổn thương, 6 đến 10 phút não bị tổn thương nặng, sau 10 phút có thể chết não, và dẫn đến tử vong.”
» Việc đầu tiên khi phát hiện ra đám cháy là gì?
“Điều quan trọng nhất để thoát nạn trong đám cháy là phải bình tĩnh, phải xác định được lối thoát gần nhất và phải cố gắng bảo vệ được cơ quan hô hấp của mình. Từ đó ta mới có cơ hội để tìm được thoát nạn.”
» Những cách làm cho chúng ta bớt bị ngạt khói?
“Chúng ta có thể sử dụng khăn mặt ướt, bịt vào mũi và miệng. Nếu gia đình nào có trang bị mặt nạ phòng độc thì cũng có thể sử dụng. Nên di chuyển thấp người, men theo tường xuống phía dưới.
Trong trường hợp ngọn lửa bao phủ tầng trệt thì cố gắng di chuyển lên tầng cao nhất. Nếu ngọn lửa bao phủ hành lang trước phòng thì hãy đóng cửa, lấy mùng, mền nhúng nước chèn vào khe cửa. Ra ban công vẫy và kêu cứu, hoặc gọi cho người thân, các lực lượng, cơ quan chức năng để thông báo vị trí mắc kẹt của mình.
Nếu ở trong trường hợp không thể thoát ra ngoài ban công hay hành lang, không tiếp xúc được với “bên ngoài”, hãy tìm những vị trí có ít khói khí độc nhất để di chuyển đến, đó cũng là cơ hội sống còn cuối cùng của họ”
» Người già và trẻ nhỏ nên thoát hiểm ra sao?
“Đối với người già và trẻ em, sức khỏe có phần hạn chế hơn thanh niên, người trung niên, nên trong quá trình di chuyển phải đặc biệt chú trọng cơ quan hô hấp của mình”
» Nếu không may bị bén lửa, chúng ta cần làm gì?
“Nếu bắt buộc phải băng qua lửa thì có thể dùng mùng, mền nhúng nước, trùm lên cơ thể, di chuyển cúi thấp người băng qua lửa. Nếu không may lửa bén thì có thể tìm đến nguồn nước gần nhất hoặc ngay lập tức nằm xuống, hai tay úp vào mặt và lăn qua lăn lại cho đến khi lửa tắt”
» Các gia đình cần trang bị gì để phòng chống cháy nổ?
“Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra cũng như có sự chuẩn bị tốt để phòng chống cháy nổ, như để vị trí chìa khóa ở một nơi nhất định, không dùng cửa khóa kéo trong nhà, khóa van ga cẩn thận khi sử dụng xong.
Các gia đình nên trang bị một mặt nạ phòng độc, bình chữa cháy dạng bột trong nhà. Các nhà ở chung cư cao tầng nên trang bị dây hạ chậm để thoát thân xuống mặt đất an toàn”
» Lời khuyên của ông đối với các hộ gia đình?
“Đối với những hộ gia đình kinh doanh, công ty thường chất hàng và dự trữ hàng vào dịp cuối năm, vì vậy họ mọi tận dụng toàn bộ không gian trống để đặt hàng hóa vào. Chính vì vậy đã cản lối và đường thoát nạn.
Vì thế, lời khuyên của chúng tôi là các bạn nên đạt hàng hóa ngay ngắn, tạo lối đi thông thoáng hoặc có thể thuê các kho bãi để hàng. Nếu chất quá nhiều hàng hóa thì sẽ làm cản đường chạy thoát nạn của mọi người, gây nguy hiểm cho tính mạng”
Ngoài những lời khuyên của chuyên gia, chúng tôi cũng khuyên bạn nên có một lối thoát hiểm trong nhà để có thể nhanh chóng thoát thân khi xảy ra hỏa hoạn.
Hãy nhớ, cố gắng giữ bình tĩnh, bạn chắc chắn sẽ cứu được mình và mọi người xung quanh.