Thuốc lá điện tử là một sản phẩm phổ biến dành cho những người muốn cai thuốc lá nhanh, hiệu quả mà vẫn “sành điệu” như khi còn đang hút thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử được người dùng lựa chọn bởi sự nhỏ gọn, tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhiễm chất độc hại khôn lường.
CẤU TẠO CỦA THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
Gồm 3 bộ phận chính gồm: máy hút thuốc, pin, chất lỏng
Thuốc lá điện tử hoạt động nhờ bộ pin lithium. Khi rít điếu thuốc, bộ pin sẽ cấp điện cho thiết bị để đun nóng chất lỏng, chất lỏng sẽ biến thành hơi và được hít vào. Một số loại thuốc lá điện tử còn có đèn LED ở đầu phát ánh sáng màu đỏ (hoặc các màu khác) giống như đầu điếu thuốc lá thật.
Chất lỏng chứa trong điếu thuốc lá điện tử thường là hỗn hợp của nicotin, các chất tạo mùi (như mùi kẹo cao su thổi bóng hoặc mùi dưa hấu), propylene glycol (dung môi), và những phụ gia khác. Lượng nicotin tùy thuộc vào hỗn hợp của từng ống nicotin lỏng cụ thể lắp trong điếu thuốc.
ĐỘC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
Thành phần Nicotin lỏng là chất gây hại khi hít vào, khi ăn hoặc khi hấp thu qua da. Chỉ một liều nhỏ cũng nguy hiểm: chưa đến một thìa canh nicotin lỏng của nhiều loại thuốc lá điện tử trên thị trường cũng đủ giết chết một người lớn, và chỉ một thìa cà phê là đủ giết chết một trẻ em.
Nhiều loại thuốc lá điện tử cũng giải phóng ra kim loại trong khi sử dụng (ví dụ như thiếc) cũng như những chất không tinh khiết khác gây độc và gây ung thư.
Bất chấp những tuyên bố rằng chúng là cách thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử có lẽ không giải quyết được hoàn toàn vấn đề thụ động với nicotin. Lượng nicotin thoát ra thấp hơn thuốc lá “thật” 10 lần và vẫn gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Các nghiên cứu đã cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử thường bị giảm chức năng phổi, cản trở đường thở và thay đổi tế bào.
Theo kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y Khoa New England (số ra ngày 21/1/2015), những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 5-15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Portland đã tiến hành kiểm tra lượng chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị.
Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde.
Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.
Mặc dù đã có mặt trên thị trường từ nhiều năm nay, song nhiều cơ quan quản lý và chuyên gia y tế vẫn chưa biết chắc về mức độ an toàn thực sự của thuốc lá điện tử. Mối lo ngại bao gồm thiếu sự minh bạch về tất cả những thành phần được sử dụng cũng như thiếu sự cam kết của các nhà sản xuất về độ an toàn của sản phẩm.
Ví dụ, năm 2009, FDA Mỹ đã phát hiện một số ống nicotin lỏng chứa khoảng 1% diethylene glycol (DEG), một chất độc có trong dung dịch chống đông.
Theo cơ quan chức năng, hút thuốc lá điện tử hiện nay nổi lên như một thú chơi mới của giới trẻ và việc sử dụng hàng hóa mua bán trôi nổi rất nguy hiểm vì chất lượng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm định có nguy cơ chứa các chất độc hại cho sức khỏe người sử dụng.
NGUY CƠ CHÁY NỔ CỦA THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ
Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) xác nhận, trong giai đoạn 2009 – 2016 có hơn 50 người bị thương trong số 134 vụ tai nạn do thuốc lá điện tử cháy, nổ.
Theo chuyên gia trên, phần lớn lỗi xảy ra với pin lithium trong thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin, người dùng có thể xạc pin hoặc thay pin để có thể sử dụng lại nhiều lần. Chất lỏng trong ống khi hết cũng có thể lắp ống mới.
Để giảm giá thành, người dùng cũng có thể mua sỉ chất lỏng và tự đổ vào ống. Khi đó các bộ phận thay thế không chính hãng, và đó có thể là nguyên nhân gây cháy, nổ.
Những vật kim loại trong túi cũng có thể cọ xát với điếu thuốc, gây đoản mạch pin lithium-ion, khiến chúng phát nổ. Vì vậy người tiêu dùng cũng không nên để thuốc lá điện tử trong túi quần vì chúng sẽ va chạm với chìa khóa hoặc đồng hồ,..