Thời gian tới, sẽ bắt đầu bước vào mùa hanh khô, kèm theo tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, vì vậy, nhu cầu sử dụng điện để kinh doanh, sinh hoạt tăng lên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy, nổ. Trong khi đó, nhận thức và ý thức về PCCC của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ xảy ra. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác phòng chống cháy, nổ tại hộ gia đình và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mọi người dân cần thực hiện tốt những biện pháp phòng cháy chữa cháy:
Một là, mọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự giác của bản thân trong công tác phòng cháy tại nơi ở, nơi sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke,… có ý thức trong việc sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày; không tự ý câu móc điện gây mất an toàn trong PCCC; mọi người dân phải tuân thủ tuyệt đối nội quy PCCC tại nơi ở.
Theo Khoản 1, Điều 50 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định hành vi “Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại hộ gia đình mà gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng” sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Hai là, tích cực tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè và những người xung quanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC như: Luật PCCC, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Nghị định 149/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, tuyên truyền về hậu quả, tác hại của các sự cố cháy, nổ để Nhân dân phòng, tránh.
Ba là, mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC tại cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tham gia huấn luyện, tập huấn công tác PCCC và CNCH. Tích cực tham gia các Đội dân phòng, Đội PCCC ở nơi cư trú, nơi làm việc; tham gia các mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” tại khu dân cư ở địa phương.
Bốn là, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn PCCC như: Bố trí khoảng cách an toàn đối với các sản phẩm, hàng hóa dễ cháy, nổ; cần cách ly các chất dễ cháy với nguồn lửa, nguồn nhiệt, các loại máy móc, thiết bị có khả năng sinh nhiệt cao; bố trí các bình chữa cháy, nội quy PCCC tại nơi dễ nhìn thấy.
Theo Khoản 1, Điều 51, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP hành vi “Vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, Theo Khoản 1, Điều 313 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định Người nào vi phạm quy định về PCCC thuộc một trong các trường hợp sau đây: gây thiệt hại làm chết người; gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe 01 người từ 61% trở lên hoặc 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 121%; gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Năm là, khi phát hiện đám cháy xảy ra cần phải: (1) nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh (chuông, kẻng, loa, phát thanh, tri hô,…); (2) cắt mọi nguồn điện tại khu vực cháy; (3) tổ chức cứu người bị nạn, người già, trẻ nhỏ di chuyển đến nơi an toàn ra khỏi khu vực cháy; (4) thông báo ngay cho lực lượng chữa cháy tại chỗ tổ chức chữa cháy trong 05 phút đầu từ khi đám cháy xảy ra; (5) gọi ngay cho đội chữa cháy chuyên nghiệp gần nhất hoặc số điện thoại khẩn cấp 114 để chữa cháy kịp thời; (6) bảo quản tài sản tránh để kẻ xấu lợi dụng sự hỗn loạn để đánh cấp.
Tác hại các sự cố cháy, nổ luôn chực chờ và gây ra hậu quả vô cùng khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhân dân. Từng người dân, hộ gia đình, cơ quan, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp,… cần nâng cao ý thức cảnh giác và tự giác trong phòng cháy và chữa cháy; trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản trong an toàn về PCCC như cách sử dụng bình chữa cháy, cách xử lý khi có hình huống cháy nổ xảy ra, cần xác định trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng ngừa tốt chính là bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Nguồn: congan.travinh.gov.vn